(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Phát triển doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng: Nhiều khó khăn bủa vây

Thứ sáu - 20/11/2020 17:07 - Đã xem: 2751

 

Doanh nghiệp (DN) tiết kiệm năng lượng là mô hình mới nhưng giầu tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Phát triển hoạt động của các DN này sẽ mang lại nhiều lợi ích của khách hàng và cho xã hội. Tuy nhiên, hiện các DN này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
 

Tiềm năng lớn

 Mô hình doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng (Energy Service Company – ESCO) mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 10 năm nay và có tiềm năng phát triển lớn bởi nhu cầu tiết kiệm năng lượng (TKNL) luôn hiện hữu trong mọi tổ chức, cá nhân nhất là với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và hệ thống chiếu sáng công cộng.

 Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh tiềm năng đầu tư vào hiệu quả năng lượng tại Việt Nam là rất lớn, theo đó, tiềm năng TKNL trong công nghiệp khoảng 20%; lĩnh vực xây dựng, tòa nhà, giao thông vận tải khoảng 25 – 35%; sinh hoạt và dịch vụ khoảng 15 – 30%.

Theo một báo cáo kiểm toán năm 2019,  Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại, nếu thực hiện giải pháp TKNL cho 1 trong 4 tổ máy của dây chuyền 1 và 1 trong 2 tổ máy của dây chuyền 2 sẽ giúp tiết kiệm được gần khoảng 42 tỷ đồng/năm. Trong khi tại Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, việc thiết kế hệ thống TKNL có thể giúp công ty tiết kiệm được khoảng chi phí lên đến 1,1 nghìn tỷ đồng.

 năng lương
 Sử dụng năng lượng hiệu quả tạo cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Hiện, mô hình doanh nghiệp ESCO đã được phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển. Các nước này đã bắt đầu có những hoạt động đầu tư thực hiện dự án ESCO từ rất sớm (cách nay khoảng 20 năm) và quy mô đầu tư cho các dự án ESCO ngày càng tăng.

Cụ thể như: tại Nhật Bản số tiền đầu tư vào các dự án ESCO là 353 triệu USD trong năm 2007, Hàn Quốc: 112 triệu USD (2008), Trung Quốc: 237 triệu USD (2006), Thái Lan: 87 triệu USD (2006), Mỹ: 3,6 tỷ USD (2006),…

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp ESCO đã bước đầu có những phát triển mạnh. Theo Bộ Công thương, hiện có khoảng hơn 200 tổ chức/doanh nghiệp hoạt động tư vấn/dịch vụ tiết kiệm năng lượng, bao gồm các trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp (ngành Công Thương); trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc các sở khoa học công nghệ; các viện nghiên cứu chuyên ngành, trường đại học… Phần lớn các đơn vị này thực hiện dịch vụ kiểm toán năng lượng, đào tạo, truyền thông, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng…, không làm dịch vụ về tài chính.

Không ít thách thức

Lợi nhuận của các doanh nghiệp ESCO được hình thành từ giá trị phần năng lượng tiết kiệm được của các khách hàng, điều này có thể dẫn tới những rủi ro cho các doanh nghiệp ESCO từ cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Các doanh nghiệp ESCO có thể bị ảnh hưởng do yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Khi các yếu tố này làm giảm mức sử dụng năng lượng, kéo theo đó là giảm nguồn thu của các doanh nghiệp ESCO.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ESCO hoạt động trên nguyên lý chia sẻ lợi ích trên mức TKNL mà khách hàng có thể đạt được nên về bản chất là đầu tư tài chính, và như vậy sẽ có nhiều rủi ro. Đại dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ điển hình, khi các doanh nghiệp phải giảm tần suất, thậm chí ngừng hoạt động, mức tiêu hao năng lượng sẽ giảm đi đáng kể, kéo theo đó là mức chi trả cho ESCO giảm, thời gian thu hồi vốn tăng lên.

Vấn đề quan trọng chính là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động TKNL như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 29/3/2011, Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24/8/2011, tuy nhiên đây mới là các quy định chung, chưa có nội dung cụ thể liên quan đến tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp ESCO.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, hiện nay chưa có đầy đủ khung pháp lý và quy định về điều kiện kinh doanh, do đó các nhà đầu tư dự án TKNL có thể chịu nhiều rủi ro vì khách hàng quan tâm đến doanh số hơn là giảm chi phí thông qua hệ thống TKNL.

Tranh chấp có thể xảy ra giữa các bên khi các công cụ xác định mức độ tiêu hao năng lượng chưa được quy định cụ thể. Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho rằng công cụ so sánh và đánh giá để 2 bên đồng thuận về mức độ TKNL hiện còn lạ lẫm với các doanh nghiệp và rất dễ xảy ra tranh chấp khi không đồng nhất được về mức độ tiết kiệm. Trong trường hợp này, phần rủi ro sẽ nghiêng nhiều hơn về phía ESCO khi các doanh nghiệp này đã thực hiện đầu tư và thiếu công cụ pháp lý bảo vệ.

Ông Vũ cũng cho biết, Bộ Công thương từng đăng ký ban hành thông tư quy định về hợp đồng ESCO với những điều khoản cụ thể. Tuy nhiên, việc này không thể triển khai do Luật Tiết kiệm năng lượng chưa có cơ sở pháp lý cho việc ban hành một số thông tư đối với mô hình ESCO.

Bên cạnh đó, rủi ro có thể đến từ phía chủ quan của khách hàng. Để có thể xác định mức năng lượng tiết kiệm được, khách hàng cần kê khai lượng năng lượng đã tiêu hao trong quá khứ và lượng tiêu hao thực tế. Khi khách hàng cố tình kê khai không đúng hoặc không biết cách kê khai về các chỉ tiêu này, phần thiệt thòi các ESCO phải gánh chịu.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (một doanh nghiệp có hơn 10 năm hoạt động trong ngành TKNL), một số khách hàng cố tình dấu sản lượng sử dụng năng lượng, đưa thông tin ban đầu không đúng, trong khi một số lại không biết và không định lượng đúng. Do vậy, việc đầu tư vào hệ thống TKNL và phần công ty thu lại không tương thích nên lợi nhuận giảm./.



Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không