(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Nguy cơ phải nhập khẩu năng lượng

Thứ năm - 21/12/2017 22:34 - Đã xem: 3260

Trung tâm điều khiển Nhà máy điện rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).Ảnh: LAM ANH

Từ một quốc gia xuất khẩu (XK) năng lượng, Việt Nam đang đối mặt nguy cơ phải chuyển sang nhập khẩu (NK). Điều đáng quan tâm, nước ta vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng, nhưng cơ chế sử dụng, chiến lược và quy hoạch phát triển tổng thể ngành năng lượng đang có vấn đề. 

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ NLTT trong tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp năm 2015 khoảng 31,8%; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên đạt khoảng 44% vào năm 2050. Đồng thời, năng lượng NK năm 2015 khoảng 2,7 triệu TOE (Ton of Oil Equivalent - tấn dầu tương đương) chiếm 3,5% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp; dự báo năm 2030 NK 47 triệu TOE, chiếm 24,3%; năm 2050 NK 22,1 triệu TOE, chiếm 7,1%.

Tại Hội thảo Kinh tế năng lượng và triển vọng vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Nguyễn Văn Vy cho biết, giai đoạn 1995 - 2015, Việt Nam là quốc gia XK năng lượng, song từ năm 2015 đến nay chuyển sang NK khoảng 2 - 3% mỗi năm. Những “nút thắt” trong phát triển ngành năng lượng phải kể tới như: NLTT chưa hấp dẫn nhà đầu tư, dầu khí ngày càng khó khai thác… Trường hợp không phát triển nhanh nguồn NLTT (không kể nguồn thủy điện), năng lượng NK sẽ tăng lên rất cao: Năm 2030 NK 78,7 triệu TOE, chiếm 41,1%; năm 2050 NK 129 triệu TOE, chiếm 41,2%.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, nguyên nhân là do tiềm năng nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ cũng tăng nhanh, thế giới tăng 2% - 3% thì Việt Nam tăng 12% - 15%. Trong khi đó đầu tư cho năng lượng lớn, tổng đầu tư chiếm 30 - 35% đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, về nguồn năng lượng dầu khí, một số dự án (DA) phát triển năng lượng chậm tiến độ, như DA đưa khí vào bờ của mỏ MP3, trên kế hoạch đưa vào năm 2015 nhưng lình xình do chuyển chủ đầu tư. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với DA mỏ Cá Voi Xanh… khiến ngành dầu khí đối mặt nguy cơ phải NK cao.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và môi trường Hà Đăng Sơn phân tích, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nguồn cung dầu khí ngày càng suy giảm, khai thác mỏ cũ khó hơn rất nhiều. Chúng ta có tiềm năng nhưng đầu tư công nghệ để khai thác không đơn giản. Vậy nên đang đứng trước lo ngại nhiều loại năng lượng trong thời gian tới phải NK.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Dầu khí Việt Nam đưa ra nhận định, đây là giai đoạn nguồn trữ lượng dầu khí khó tìm hơn, cũng như khai thác ở các mỏ lớn đang suy giảm mạnh. Hiện nay, việc duy trì đầy đủ năng lượng của đất nước có thể không đáp ứng được, chúng ta bắt đầu phải bước sang giai đoạn NK dầu khí từ nước ngoài. Hơn nữa, nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, chúng ta lập tức phải NK khoảng 10 triệu tấn dầu từ Trung Đông phục vụ hoạt động của nhà máy này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang cố gắng tìm kiếm, phát triển thêm nguồn năng lượng mới, nhưng đến giờ, trong quy hoạch ngành mà Chính phủ phê duyệt cũng nhìn thấy không ít khó khăn về gia tăng trữ lượng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trữ lượng không duy trì được mức cũ, trong khi xã hội phát triển, nhu cầu tăng lên, sẽ buộc chúng ta phải NK để bảo đảm an ninh năng lượng. Dự báo trong quy hoạch của ngành dầu khí những năm sau sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng vô tận, mất cái này lại có cái khác. Tuy nhiên, cơ chế sử dụng, chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng đang có vấn đề. Câu chuyện đặt ra là cần phải làm gì khi công nghệ thế giới đang thay rất nhanh, tính cạnh tranh cực kỳ lớn. Nếu thế giới làm nhiều NLTT, không biết Việt Nam có cần sản xuất năng lượng nữa không? Cần phải có quy hoạch và định hướng cụ thể, trong đó phải bỏ đi cách tiếp cận chỉ có Nhà nước mới được làm. Đề án phát triển phải dựa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp (DN).

Trước mắt là cần tính toán, gỡ bỏ vướng mắc trong một số vấn đề như phát triển năng lượng hạt nhân; khủng hoảng lãnh đạo ở PVN; vất vả của Chính phủ trong điều chỉnh giá điện; tăng hay không tăng phí bảo vệ môi trường cho xăng dầu; tận dụng nguồn tài nguyên ở biển hiệu quả. Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược năng lượng mới. Chiến lược phải gắn với cung và cầu thị trường.

Liên quan những vướng mắc trong phát triển NLTT, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất, Chính phủ cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển NLTT tầm nhìn đến năm 2050 và các nghị định khác sát thực tế hiện nay. Đối với các DN trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư cho các DA NLTT. Nhà nước cần sớm ban hành thêm giá điện gió kể cả trong đất liền và ngoài khơi; giá điện sinh khối, giá điện sinh học để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư (NĐT) vào lĩnh vực NLTT.

Tại Diễn đàn DN thường niên 2017, các NĐT nước ngoài phàn nàn chưa nhìn thấy khung giá điện giai đoạn 2016 – 2020, do vậy không biết giá điện sẽ thay đổi thế nào nên kém “mặn mà” đầu tư vào các DA điện sạch. Ông Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam có cơ hội to lớn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trong nước để đạt được mục tiêu năng lượng sạch trong tương lai. Nhưng đến nay, các thủ tục và nỗ lực liên quan hai chương trình thiết yếu là biểu giá điện và hợp đồng mua bán điện mặc dù đã được bắt đầu nhưng vẫn còn chậm và rườm rà, chưa đủ hiệu quả để đạt được các mục tiêu về sử dụng năng lượng sạch.



Nguồn tin: nhandan.org.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không