(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Ngành năng lượng Việt Nam đang đi ngược xu thế

Thứ tư - 20/12/2017 00:10 - Đã xem: 3318
Hơn 42% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới cam kết được cấp phép trong 11 tháng đầu năm 2017 là đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh và phân phối điện. Đáng chú ý, cả ba dự án được cấp phép trong lĩnh vực này đều là xây dựng nhà máy nhiệt điện than.

Cấp phép ba dự án BOT nhiệt điện than

Ngoài tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chủ lực thực hiện đầu tư phát triển nguồn điện, Chính phủ đã từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình nguồn điện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa) có vốn đăng ký 2,58 tỉ đô la Mỹ đã được cấp phép đầu tư vào tháng rồi. Dự án nhà máy nhiệt điện than BOT này có công suất 1.320 MW, sẽ được phát triển tại khu vực Nam Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Đây là dự án được tập đoàn Sumitomo (Nhật) đề xuất đầu tư từ năm 2006 và được Chính phủ chấp thuận triển khai theo hình thức đầu tư BOT vào năm 2009. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, trong đó có đàm phán hợp đồng BOT, cũng như phải thẩm định dự án... nên nó chậm được cấp phép. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào năm 2018.

Như vậy chỉ trong năm nay, có tới ba dự án nhiệt điện BOT được cấp chứng nhận đầu tư. Lớn nhất là dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa với tổng vốn đăng ký hơn 2,79 tỉ đô la Mỹ. Dự án này sẽ được thực hiện tại khu kinh tế Nghi Sơn do Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni - Kepco làm chủ đầu tư, có tổng công suất 1.200 MW, gồm hai tổ máy 600 MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ vận hành thương mại vào năm 2022 với sản lượng điện năng phát mỗi năm khoảng 8,1 tỉ kWh, sử dụng than nhập khẩu.

Dự án khác là nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 có vốn đầu tư 2,07 tỉ đô la Mỹ, do nhà đầu tư Singapore thực hiện, công suất khoảng 1.109 MW. Dự kiến dự án sẽ được triển khai tại xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Dự án nhiệt điện than này sẽ bao gồm hai tổ máy với công suất khoảng 554,7 MW cho mỗi tổ máy.

Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ, công suất điện than trên thế giới đã và đang giảm kể từ năm ngoái.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cả ba dự án này nằm trong tốp năm dự án có vốn đăng ký cao nhất năm 2017, với tổng vốn là 8,37 tỉ đô la Mỹ, đưa lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng vị trí thứ hai trong số các ngành, lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Không chỉ ba dự án lớn trên, từ năm ngoái đến nay, nhiều dự án nhiệt điện than với quy mô đầu tư hàng tỉ đô la cho mỗi dự án liên tục được đề xuất hay chấp thuận chủ trương đầu tư, như dự án Trung tâm Nhiệt điện Long An được đề xuất ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Long An) có vốn khoảng 5 tỉ đô la Mỹ, hay dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2 thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch do EVN làm chủ đầu tư...

Theo thống kê, cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và cung cấp gần 40% sản lượng điện cho cả nước.

Việc xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than được lý giải là do tiềm lực xây dựng nhà máy thủy điện gần như đã khai thác triệt để; trong khi các nguồn năng lượng sạch, tái tạo thì chi phí đầu tư cao. Mặt khác, nhiệt điện khí cho giá điện đắt gấp 2 lần giá nhiệt điện than...

Đi ngược xu thế

Với kế hoạch phát triển thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than nói trên, không ít ý kiến cho rằng ngành năng lượng trong nước đang đi ngược chiều với xu thế thế giới. Bởi lẽ, sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ, công suất điện than trên thế giới đã và đang giảm kể từ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo khảo sát của Hệ thống giám sát các nhà máy điện than toàn cầu vào tháng 3-2017 (từ mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu CoalSwarm và tổ chức môi trường Sierra Club, Mỹ), giai đoạn từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2017, công suất điện than của nhóm dự án tiền xây dựng giảm 48%, nhóm dự án đã khởi công giảm 62% và công suất từ nhóm nhà máy bị tạm dừng hoạt động đã tăng 164%.

Nguyên nhân là do chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia có lượng phát thải hàng đầu - đã ban hành những biện pháp mạnh để hạn chế phát triển nhiệt điện than.

Cụ thể, tổng công suất điện than được cấp phép xây dựng tại Trung Quốc trong năm 2016 đã giảm 85% so với năm 2015. Đáng chú ý, vào tháng 3-2017, tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng ở Bắc Kinh đã chính thức đóng cửa, đưa thủ đô Trung Quốc trở thành đô thị đầu tiên của nước này chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá.

Ấn Độ cũng đang trong giai đoạn giảm phát triển điện than. Theo kế hoạch, ít nhất đến năm 2027, nước này sẽ không tăng thêm công suất điện than ngoại trừ những dự án đang xây dựng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tham gia cuộc cách mạng năng lượng mặt trời, với mức đấu giá sản xuất điện thấp, rẻ hơn giá điện than hơn 50%. Nhiều nhà máy nhiệt điện (chủ yếu là điện than) ở Ấn Độ giờ đây đang trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc chỉ hoạt động ở mức tối thiểu, mà theo Reuters là vì không bán được điện và không mua được than để vận hành.

Các nước khác như Mỹ và châu Âu cũng đã lên lộ trình ngưng phát triển và sẽ đóng cửa các nhà máy điện than. Cụ thể vào tháng 10 rồi, Bộ trưởng Công nghiệp Ý Carlo Calenda đã đệ trình ra Quốc hội dự thảo chiến lược quốc gia về năng lượng, trong đó đề xuất loại bỏ dần các nhà máy điện than trong nước bắt đầu từ năm 2025. Động thái này sẽ đưa Ý gia nhập một danh sách đang tăng dần của các nước cam kết chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào các nhà máy điện than trong 10-15 năm tới.

Pháp cũng đặt ra lộ trình loại bỏ dần nhiệt điện than bắt đầu từ năm 2022; trong khi đó, Canada đưa ra cam kết tương tự nhưng thời điểm thực hiện là năm 2030. Anh tuyên bố nhà máy điện than cuối cùng ở nước này sẽ đóng cửa vào năm 2025. Hà Lan thông báo đóng cửa năm nhà máy điện than còn lại ở nước này vào năm 2030...

Ở Việt Nam, Quy hoạch điện VII được cho là phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước, nhưng các chuyên gia tỏ ra quan ngại, vì nhiệt điện than có quá nhiều rủi ro cho dù chúng được đầu tư với công nghệ hiện đại đi nữa. Bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, theo các chuyên gia, các nhà máy điện than còn sẽ tác động xấu đến ngành công nghiệp du lịch, nông nghiệp...

Các chuyên gia cho rằng quy hoạch điện nói chung và điện than nói riêng có thể điều chỉnh theo xu thế trong tương lai, nhất là khi thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến sử dụng năng lượng xanh, việc sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ. Các tổ chức năng lượng độc lập đề nghị cần tạm dừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện mới cho tới khi có giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm.

 

Nguồn tin: thesaigontimes.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không