Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc thúc đẩy quá trình cải thiện hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đang được các nhà quản lý, giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
|
Các doanh nghiệp được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ. |
Nhu cầu tăng cao
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng, hiện nay, nhu cầu về năng lượng nói chung, nhu cầu về điện nói riêng có sự tăng trưởng cao. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, nhất là khi đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng với mức độ phụ thuộc ngày một tăng.
“Để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng phân tích.
Trong thời gian vừa qua, Bộ KH-CN đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2020, Bộ KH-CN xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp KH-CN tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.
Hướng tới những giải pháp cụ thể cho chiến lược phát triển năng lượng, Bộ KH-CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ
Mới đây, tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017, các chuyên gia đã trao đổi về giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam - tầm nhìn đến năm 2050. Ông Kiều Kim Trúc (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Theo văn bản điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu than nói chung và nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện nói riêng vào năm 2017 là 55,2 triệu tấn, đến năm 2020 tăng lên 86,4 triệu tấn và trong giai đoạn 2025-2030 là từ 120 đến 150 triệu tấn/năm...
Trước nhu cầu ngày càng tăng, để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giải pháp hàng đầu là đổi mới áp dụng KH-CN vào sản xuất; các giải pháp khác là đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên. “Cần chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện...”, ông Kiều Kim Trúc cho biết.
TS Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho rằng: Thách thức và cũng là rào cản lớn đối với việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là chi phí sản xuất còn cao so với các dạng năng lượng truyền thống. Thêm vào đó, Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng tái tạo... Về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đề xuất cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy năng lượng tái tạo; thiết lập các quỹ về năng lượng tái tạo để hỗ trợ các dự án điện gió, điện sinh khối; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...
TS Nguyễn Hoàng Yến (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chia sẻ: Khai thác dầu khí là lĩnh vực khoa học kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều chuyên ngành khoa học như máy tính, công nghệ thông tin, toán, địa chất, tự động hóa, vật lý... Hiện nay, một số mỏ, cụm mỏ đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả khai thác cũng như bảo đảm duy trì sản lượng khai thác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xác định tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng KH-CN, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu gia tăng hệ số thu hồi dầu (EOR), nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên...
Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2017, góp phần bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam và đặc biệt là bổ sung quy định về hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Đó là cơ sở để chúng ta hy vọng sớm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói riêng.