(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Sử dụng điều hòa đúng cách giúp tiết kiệm điện

Thứ năm - 05/07/2018 15:04 - Đã xem: 3249
Mùa nắng nóng năm nay đã trải qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nhiều nơi lên tới hơn 40 độ C. 
 

PGS Nguyễn Việt Dũng.
 
Trong các ngày 22/6/2018 và ngày 02/7/2018 số liệu tiêu thụ điện cả nước và miền Bắc liên tục lập đỉnh, thời tiết đầu tháng 7 ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng kéo dài và tính đến ngày 03/7/2018 mức độ tiêu thụ điện ở các khu vực này lại tăng cao kỷ lục. 
 
Trên toàn quốc công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 35110 MW, sản lượng tiêu thụ toàn quốc là 723,9 triệu kWh. Tại miền Bắc công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 17063 MW, sản lượng tiêu thụ của phía Bắc cũng lên tới gần 358,6 triệu kWh. Tại miền Trung công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 3128 MW, sản lượng tiêu thụ lên tới gần 64,5 triệu kWh (Số liệu miền Trung năm 2017: Công suất phụ tải đỉnh hệ thống = 3099 MW, sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất = 60,9 triệu kWh). Tại Thủ đô Hà Nội công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 4085 MW, sản lượng tiêu thụ là gần 82 triệu kWh.
 
Trước tình hình nắng nóng gay gắt, nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ làm mát không đúng cách đã tiêu tốn thêm nhiều điện năng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đột biến. PV Icon.com.vn đã phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường ĐHBK Hà Nội về vấn đề này.
 
PV: Thưa PGS Nguyễn Việt Dũng, ông nhìn nhận như thế nào về việc tiêu thụ điện với tăng trưởng phụ tải cao vào thời gian cao điểm nắng nóng như vậy ?
 
PGS. TS Nguyễn Việt Dũng: Việc tiêu thụ điện với tăng trưởng phụ tải cao vào thời gian cao điểm nắng nóng như vậy là hoàn toàn chính xác. Thông qua nhiều nghiên cứu mà chúng tôi chủ trì hoặc tham gia (trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công thương chủ trì, đặc biệt dự án do Tổ chức Bơm nhiệt- trữ nhiệt Nhật Bản và công ty đầu tư tài chính Mitsubishi UFJ & Morganstanley tài trợ), chúng tôi đã có điều kiện để tiến hành kiểm toán năng lượng cho các dạng nhà dân khác nhau trong nhiều năm. Kết quả cho thấy điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình khoảng 20-50% so với các tháng khác. Trong đó điện năng tiêu thụ của điều hòa không khí (ĐHKK) chiếm 28÷64% tủ lạnh 6÷22% còn lại là tiêu thụ điện của các thiết bị khác như TV, chiếu sáng, đồ làm bếp…
 
Lý do điện tiêu thụ mùa hè tăng cao là do mùa hè thời tiết nóng nên các hộ gia đình phải dùng quạt và đặc biệt ĐHKK- đây là thiết bị tiêu tốn điện rất lớn. Để  thấy rõ hơn tôi lấy ví dụ cụ thể theo số liệu đã trình bày ở trên có thể thấy ĐHKK chiếm trung bình tới 40% tổng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình, do vậy giả thiết khi không có ĐHKK điện năng tiêu thụ là 300kWh -300 số điện  tương đương với số tiền phải trả  là 577.250 VND thì khi dùng điều hòa con số này là (300/60)*100=500kWh -500 số điện, tương đương với 1.108.850 VND theo giá tính điện của QĐ 4495 /QĐ-BCT ngày 30/11/2017. Hay nói cách khác hóa đơn tiền điện tăng khoảng 100%. Đây chính là nguyên nhân làm tiêu thụ điện năng tăng mạnh trong mùa hè.
 
Một lý do quan trọng nữa trong các nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, trong thời gian mùa hè, nhiều gia đình có các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà nên số giờ sử dụng các thiết bị điện gồm ĐHKK và các thiết bị khác như TV, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt tăng lên. Dẫn tới điện năng tiêu thụ tăng lên.
 
Mùa hè tiêu thụ điện cho tủ lạnh cũng tăng đáng kể. Khi xây dựng lại tiêu chuẩn TCVN 7828:2015 về hiệu suất năng lượng của tủ lạnh gia dụng, chúng tôi đã thí nghiệm đo mức tiêu thụ điện của tủ lạnh liên tục trong 12 tháng thì nhận thấy tiêu thụ điện của tủ lạnh trong 4 tháng hè tăng thêm trung bình 23% lý do nhiệt độ môi trường tăng và tần suất mở cửa tủ lấy đá, nước uống tăng cao hơn mùa khác 1,5-2 lần.
 
Vì các lý do nêu trên nên điện năng tiêu thụ vào mùa hè tăng cao hơn hẳn các tháng khác đặc biệt các tháng cuối mùa xuân (3,4).
 
PV: Thưa PGS Nguyễn Việt Dũng, ông có đồng tình với lý giải của nhiều người về việc hóa đơn tiền điện tăng cao do các gia đình sử dụng điều hà nhiệt độ công suất điện cao nhưng không ít gia đình chưa biết cách sử dụng điều hòa nhiệt độ hiệu quả và tiết kiệm điện ?
 
PGS. TS Nguyễn Việt Dũng: Đây là vấn đề lớn, liên quan tới từng hộ gia đình cụ thể. Tuy nhiên như tôi đã phân tích ở trên việc dùng ĐHKK mùa hè sẽ thực sự làm gia tăng tiêu thụ điện của các gia đình. Để lấy thấy rõ chúng ta xem ví dụ cụ thể, 01 ĐHKK 12000BTU/h có tem năng lượng 5 sao có công suất điện định mức khoảng 1kW hoạt động 8-10h/ ngày sẽ có mức độ điện tiêu thụ trung bình khoảng 200kWh -200 số điện/tháng. Do đó việc gia tăng tiêu thụ điện của các gia đình từ vài chục phần trăm cho tới 100% vào mùa hè là có cơ sở.
 
Mặt khác thông qua các nghiên cứu khảo sát mà chúng tôi đã tiến hành cho nhiều hộ gia đình cho thấy việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng cho ĐHKK chưa được thật sự quan tâm và chú ý. Điều này thể hiện ở chế độ nhiệt độ cài đặt trong buồng là không hợp lý. Nhiều người cho rằng để nhiệt độ lạnh sâu sẽ mát nhanh hơn. Tuy nhiên để nhiệt độ cài đặt lạnh quá sâu sẽ dẫn tới trước hết là ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng và sau đó cứ hạ thấp nhiệt độ buồng xuống 1 độ C điện năng tiêu thụ của ĐHKK sẽ tăng tăng lên 1,5-3%. Bật ĐHKK nhưng cửa sổ và cửa đi vẫn mở; Đối với cửa sổ ở hướng tây không có rèm che; Trong khi ĐHKK hoạt động vẫn sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bếp đun nấu, ấm điện siêu tốc…Việc lắp đặt và sử dụng ĐHKK chưa hợp lý. Ví dụ lắp đặt dàn nóng chưa đúng vị trí dẫn tới quẩn gió, không giải nhiệt được; Đường ống được bảo ôn không đúng quy cách; Khoảng cách giữa dàn nóng và lạnh quá xa…Mua ĐHKK có mức sao năng lượng thấp. Chênh giữa ĐHKK một sao và 5 sao về tiêu thụ điện năng lên đến trên 20%. 
 
Chúng ta thường quan tâm tới giá cả và nhãn mác của ĐHKK khi đi mua mà chưa thật để ý tới mức sao năng lượng. Trong khi đó nếu tính cả vòng đời hoạt động của ĐHKK tiền mua ban đầu chỉ chiếm khoảng 1/3 còn lại là tiền điện và tiền bảo trì, sửa chữa. Hoặc không bảo dưỡng ĐHKK theo định kỳ.
 
PV: Thưa ông, vậy sử dụng máy điều hòa nhiệt độ như thế nào thì được cho là hiệu quả và đúng cách?
 
PGS. TS Nguyễn Việt Dũng: Trước hết điều hòa không khí (ĐHKK) phải được chọn lựa và lắp đặt đúng như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước. Khi mới bật ĐHKK để mát nhanh chúng ta nên bật nút TURBO, hoặc POWER FULL… (tùy loại ĐHKK) ở chế độ này ĐHKK sẽ chạy ở chế độ cho năng suất lạnh cũng như tốc độ quạt cao nhất thường trong vòng 30 phút để làm lạnh nhanh phòng, sau đó chuyển về chế độ thường mà ta đã cài đặt.
 
Nhiệt độ đặt của ĐHKK không nên để quá thấp. Để tiết kiệm điện cũng như là đảm bảo điều kiện tiện nghi và sức khỏe, chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ buồng và ngoài trời không nên vượt quá 7÷10 độ C, trừ trường hợp ngoài trời rất nóng. Tương ứng với điều này là nhiệt độ cài đặt khuyến cáo là 26÷28 độ C ban ngày, còn tối và đêm nhiệt độ này 25÷27 độ C. Để chênh lệch nhiệt độ lớn hơn rất nguy hiểm cho người già, trẻ em. Đặc biệt người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, hoặc bệnh đường hô hấp.
 
Đối với buổi đêm ở trong phòng ngủ, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng chế độ  ngủ SLEEP mode. Ở chế  độ này tùy loại máy sau khoảng 1-2h nhiệt độ cài đặt sẽ tăng lên 1 độ C cho tới khi đạt 28÷29 độ C thì máy sẽ giữ nguyên trạng thái.
 
Một sai lầm phổ biến ở người tiêu dùng là muốn làm mát nhanh phòng, hoặc muốn có cảm giác lạnh sâu thường để nhiệt độ cài đặt rất thấp thường chỉ 22÷24 độ C. Ở nhiệt độ này vừa không lợi cho sức khỏe ĐHKK vừa rất tốn điện. Thật ra cảm giác mát mẻ là do khả năng thoát nhiệt và bay hơi mồ hôi từ bề mặt da người quyết định. Do đó cảm giác dễ chịu có thể đạt được trong trường hợp chúng ta để nhiệt độ cài đặt ở 26÷27 độ C nhưng dùng thêm quạt đảo gió (quạt cây, quạt trần). Trường hợp này người sử dụng sẽ có cảm giác mát như chúng ta cài đặt nhiệt độ 22÷24 độ C, mà nhiệt độ buồng lại rất đồng đều có lợi cho sức khỏe và lại tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ 3%.
 
Đối với những buồng có cửa sổ, chúng ta nên có các rèm che, màn chắn để giảm bức xạ mặt trời trực tiếp vào buồng làm tăng điện năng tiêu thụ. Nên thường xuyên làm vệ sinh rửa các tấm lọc bụi ở dàn lạnh, trung bình một tháng một lần, ở những nơi nhiều bụi có thể vài tuần một lần. Dàn nóng trước mỗi mùa sử dụng nên được bảo dưỡng kỹ; Kiểm tra, nạp thêm ga nếu cần, hộp đấu điện; Xịt rửa dàn nóng sạch sẽ khỏi bị bám bụi. Nếu có điều kiện, hoặc ở những nơi bẩn dàn nóng nên được rửa thường xuyên vài tháng một lần.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
 


Nguồn tin: icon.com.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không