Theo đó, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng.
Quy hoạch Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ bị kiểm toán trong năm 2022
Trong đó, sẽ kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh.
Cụ thể, bao gồm vấn đề phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo...
Bên cạnh đó, còn có các vấn đề về việc phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quản lý, bảo vệ môi trường; Quản lý, sử dụng đất trồng rừng, đầu tư trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; Nước sạch và vệ sinh nông thôn; Phát triển đô thị và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…
Cũng theo kế hoạch, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán nhiều dự án đầu tư lớn, được dư luận quan tâm như cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành, dự án chống ngập do triều tại khu vực TPHCM...
Quản lý quy hoạch, cấp phép tại đô thị "vào tầm ngắm"
Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo chi tiết về một số kiểm toán chuyên đề, trong đó có chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020.
Trong đó, đã chỉ ra các địa phương như Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
Riêng TP.HCM, chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở bao gồm loại hình văn phòng có nhân viên lưu trú chưa đủ căn cứ pháp lý; Một số giấy phép xây dựng được cấp chưa đáp ứng điều kiện cấp phép; Cấp phép có tầng hầm, hoặc có số lượng tầng hầm chưa phù hợp quy hoạch được duyệt....
Còn tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trên phần diện tích đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Đồng thời, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với các khu đất kinh doanh, dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở chưa đúng quy định Luật Đất đai; Đồng ý chủ trương giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án không đúng quy hoạch sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai...
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán cũng nêu rõ việc Bộ Công thương và 3 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thực hiện lập, ban hành quy hoạch và quản lý, vận hành các dự án thủy điện trên lưu vực sông MêKông chưa chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân vùng hạ du và ảnh hưởng đến việc vận hành của các thủy điện khác.
Cụ thể, quy hoạch không mang tính tổng thể, đồng bộ, không xem xét lập quy hoạch cho cả giai đoạn mà bổ sung quy hoạch riêng lẻ nhiều lần theo đề xuất của UBND tỉnh và nhà đầu tư;
Việc giao đất cho các dự án thủy điện, trồng rừng thay thế chưa được giám sát; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường không xem xét đầy đủ, toàn diện các tác động của dự án tới môi trường; Việc giám sát các thủy điện chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập…