Tại buổi làm việc với các bộ ngành về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và cắt giảm điều kiện kinh doanh hôm 12-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết nhiều bộ ngành quá chậm triển khai các giải pháp cụ thể để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đến nay mới chỉ có nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương được ban hành, còn các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng, soạn thảo là chủ yếu.
Trong khi đó, theo ông Dũng, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành gây rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn có doanh nghiệp dán nhãn hiệu suất năng lượng cho 4 chiếc tủ lạnh mất đến 149 triệu đồng, nhưng nhãn đó chỉ cho riêng sản phẩm từng doanh nghiệp...
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho hay thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam là 76 giờ, trong khi mức bình quân của ASEAN+4 là 28 giờ.
"Mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước ngày 31-10. Nhiều bộ đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp" - ông Dũng nói.
Để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Dũng đề nghị các bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không hợp lý về điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo và trình Chính phủ trước ngày 15-8 thay vì 30-7.
Dự kiến ngày 13-7, Thủ tướng sẽ ban hành một chỉ thị về công tác này và yêu cầu thực hiện chậm nhất vào ngày 15-8.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, không nên giao các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép chủ trì soạn thảo phương án hay các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này.
"Bởi các cơ quan đang cấp phép sẽ không có động lực thực hiện nên tìm cách này cách khác giữ lại quyền của mình" - ông Lộc nói.