Trong tháng 3 và tháng 4.2018 vừa qua, tôi có dịp đến làm việc với Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) và với Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Từ thực tế hoạt động của các nhà máy điện than và những vấn đề môi trường ở hai dự án nhiệt điện than này, tôi đã rút ra một số vấn đề mà ở cấp độ vĩ mô phải có sự quan tâm cần thiết trước khi bắt đầu dự án.
Tuy nhiên cốt lõi nhất là cách xây dựng tổng sơ đồ năng lượng quốc gia cần được xem lại và đổi mới.
Đóng góp vào công việc quan trọng này, xin đề xuất một số hướng tiếp cận.
Yêu cầu đầu tiên khi hoạch định tổng sơ đồ là phân tích khách quan cán cân Được – Mất trên cả ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt sinh kế và sức khỏe của người dân đối với từng dạng năng lượng, trên cơ sở đó mà hình thành tổng sơ đồ.
Thực tế đang diễn ra là hầu như chỉ có mặt kinh tế được xem xét, và cũng chưa phải đầy đủ, toàn diện. Sinh kế và sức khỏe của người dân ít được quan tâm. Cụ thể, các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về bụi, về các khí SO2, NOx trong khí thải của các nhà máy là khá lạc hậu so với quy chuẩn của các nước.
Không có những quy định về các hạt bụi mịn, đặc biệt các PM2,5, tác nhân làm gia tăng các bệnh đường hô hấp và bệnh ung thư nơi nào chúng được phát tán đến.
Cần khẳng định: “Không thể đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế”.
Cơ sở thứ hai để xây dựng tổng sơ đồ là theo dõi sát sao tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt năng lượng mặt trời (NLMT) và năng lượng gió (NLG), rút ra những dự báo và điều chinh kịp thời.
Trên thế giới hiện nay những nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả lọc khí của ESP, SCR và FGD vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên có một thực tế là trong những năm gần đây nhiều nước, kể cả Trung Quốc, bắt đầu ngưng đầu tư những nhà máy NĐ than mới, quy định chặt chẽ hơn mức ô nhiễm của các nhà máy đang hoạt động, và đóng cửa các nhà máy củ.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách xuất khẩu NMNĐ than (đã qua sử dụng hay mới với công nghệ và thiết bị “thích hợp”) sang những nước có nhu cầu. Họ gọi đó là “giải pháp tuyệt vời, hài hòa lợi ích các bên”.
Số lượng gigawatt NLMT và NLG được lắp đặt hàng năm và tích lũy trong 15 năm gần đây trên thế giới tăng lũy tiến. Giá thành lắp đặt một Wđỉnh NLMT và 1MWh NLG giảm rất nhanh từ năm 2011, và dự báo sẽ còn nhanh hơn nữa trong 10 năm tới.
Tổng số tiền đầu tư trên thế giới ước tính cho nghiên cứu – triển khai – thương mại hóa hai hướng nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện năng và tích trữ điện năng được chuyển đổi là một minh chứng đồng thời là một động lực cho sự phát triển sắp tới của NLG và NLMT.
Tiếp tục đánh giá NLG và NLMT là những dạng năng lượng phân tán, gián đoạn, chưa thể tích trữ và do vậy còn lâu mới có thể phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, e rằng không bao lâu nữa sẽ, nếu không phải là đã, không còn phù hợp.
Thứ ba, tăng trưởng năng lượng phải đi trước, và là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã hẵn. Tuy nhiên nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng quốc gia còn tùy thuộc vào mô hình tăng trưởng kinh tế.
Mô hình tăng trưởng kinh tế ngày nay của các nước khác trước. Tỷ trọng của kinh tế tri thức ngày càng tăng, công nghệ thông tin, tự động hóa can dự ngày càng nhiều vào quá trình sản xuất. Nền kinh tế công nghiệp 4.0, nền kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và nhiều ngành kinh tế dịch vụ sử dụng năng lượng không nhiều nhưng đóng góp quan trọng vào GDP.
Do vậy, mô hình tính toán nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng quốc gia cần được cập nhật.
Thứ tư, mô hình tăng trưởng kinh tế lại phải được lồng vào bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu toàn cầu và phải tính đến những tham vọng của các siêu cường về lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên thiên nhiên.
Thật khó để xuất khẩu, và phải tính đến nguy cơ bị cấm nhập khẩu các mặt hàng nông thủy hải sản nếu các trại nuôi tôm giống, các vuông “tôm sinh thái xuất khẩu” lại ở sát ngay cạnh các nhà máy điện gây ô nhiễm môi trường.
Khai thác dầu khí ở nước ta không thể không tính đến sự biến động của giá dầu trên thế giới và tình hình trên Biển Đông.