(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

An ninh năng lượng bị đe dọa

Thứ tư - 03/10/2018 23:13 - Đã xem: 2886
“Việt Nam có nguy cơ trở thành nước nhập khẩu thuần năng lượng, do nhu cầu tăng cao và các nguồn năng lượng sơ cấp không đủ đáp ứng. An ninh năng lượng sẽ bị đe dọa nếu không có chính sách dài hạn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm”. Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cảnh báo tại một hội thảo mới đây.

Nhiều rủi ro

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) vào năm 2020, cơ cấu nguồn điện là 60.000 MW và tăng lên 129.500 MW vào năm 2030. Trong đó, cơ cấu nguồn có đầy đủ các thành phần: Thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và nhập khẩu. Tuy nhiên, tháng 11.2016, QH thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600 MW). Một số dự án nguồn điện dừng triển khai thực hiện như: Nhiệt điện Bạc Liêu (1.200 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW). Mặt khác, một số dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch hoặc chưa có chủ đầu tư; chưa được phê duyệt… Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (GDP năm 2017 tăng 6,81%, năm nay khoảng 6,7%) kéo theo nhu cầu năng lượng nói chung, điện năng nói riêng tiếp tục gia tăng. Những yếu tố này dẫn đến nguy cơ nước ta sẽ thiếu điện sau năm 2020.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, Việt Nam sẽ sản xuất 55GW (55 tỷ kW) điện từ các nhà máy nhiệt điện. Điều này có nghĩa ít nhất trong 20 năm tới, nhiệt điện vẫn là nguồn cung năng lượng trọng yếu của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang được xếp là nước tiêu thụ than đá cho sản xuất điện lớn thứ 20 thế giới. Nhưng với kế hoạch đạt 55GW cùng với hàng loạt dự án xây mới nhà máy nhiệt điện đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước tiêu thụ than lớn thứ 8, bằng với mức tiêu thụ của Nga và Indonesia cộng lại. Như vậy, sự lệ thuộc vào nguồn than nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) và gánh nặng tài chính khổng lồ cho nhập khẩu than là rất lớn. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, với mức trung bình 10 triệu tấn than phải nhập khẩu mỗi năm, những rủi ro thất thoát nguồn ngoại tệ và lệ thuộc an ninh năng lượng vô cùng lớn.

Theo Phó Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ, Việt Nam hiện chưa có kinh nghiệm trong chuyển hóa từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế sử dụng đáng kể các nguồn năng lượng tái tạo. Hơn nữa, việc vẫn phải nhập công nghệ, thiết bị nhiệt điện và phần lớn đã lạc hậu, mức tiêu thụ than lớn khiến các nhà quản lý còn phải khi đối mặt với việc xử lý các hệ lụy môi trường do các nhà máy nhiệt điện gây ra.

Nâng cao hiệu quả kiểm toán năng lượng

Để bảo đảm an ninh năng lượng cần thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trước mắt chính là sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Dù có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ từ luật (Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được QH thông qua năm 2010), nghị định, thông tư nhưng tiết kiệm năng lượng vẫn còn mang tính hình thức vì chưa có chế tài đủ mạnh và việc thực thi thiếu hiệu quả. Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí tại Việt Nam vẫn phổ biến. Thêm vào đó, với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, áp dụng các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Điều quan trọng là rèn luyện ý thức, hình thành thói quen. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp cần tạo cho mình thói quen tiết kiệm điện hàng ngày, tự giác, chủ động để tránh lãng phí. Chính hành động này góp phần rất lớn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững bày tỏ quan điểm. 

Nhưng không thể chỉ trông chờ vào ý thức của từng doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, vì mục tiêu an ninh năng lượng nên bắt đầu ngay từ bây giờ với hoạt động kiểm toán năng lượng. Cơ sở pháp lý của hoạt động này là Điều 33, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo đó, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần. Các cơ sở khác được Nhà nước khuyến khích định kỳ tổ chức kiểm toán năng lượng và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục này vẫn chưa thực hiện kiểm toán năng lượng hoặc làm theo kiểu cho có, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước mà không quan tâm đến chất lượng kiểm toán.

Với xu hướng sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên bền vững, việc kiểm toán năng lượng cần được quan tâm đúng mực để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Để đồng hành với doanh nghiệp và vì một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững, cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, không đơn thuần là kiểm tra và giám sát hành chính hoạt động này.



Nguồn tin: daibieunhandan.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không