(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Những việc khó khăn nhất vẫn đang chờ Bộ trưởng

Thứ ba - 10/01/2017 00:24 - Đã xem: 3596

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đã nói điều làm ông lo lắng nhất là xây dựng thể chế. Quả thật, với một bộ quản lý các ngành kinh tế chiếm đến 80% GDP thì các chính sách của Bộ Công Thương có thể được coi là đầu tàu của thể chế kinh tế Việt Nam.

Trong cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại", hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu quy sự thành bại của mỗi quốc gia chủ yếu dựa trên thể chế. Theo đúng lý thuyết này, thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chính là một trong số ít những người đang nắm giữ quyền quyết định đến sự thành bại của nền kinh tế Việt Nam, hay nói khác đi là sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam.

Bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyde trong sản phẩm dệt may, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh xuất khẩu lúa gạo trong Quyết định 6139, hay đơn giản hóa thủ tục dán nhãn năng lượng là 3 điểm sáng trong những gì Bộ Công Thương đã làm để trả món nợ thể chế kinh tế. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, và nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng nếu so sánh những gì đã làm được với những mong đợi của hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác hay chỉ đơn giản là so với kế hoạch cải cách mà chính Bộ trưởng đã ký thì đó chỉ là bông tuyết trên tảng băng. Hơn nữa, nếu đi sâu vào những việc đã làm được này thì thấy chúng chỉ là “phần nạc”, chứ chưa phải là những vấn đề xương xẩu nhất.

Việc kiểm tra formaldehyde đã được các doanh nghiệp dệt may phàn nàn từ nhiều năm nay, đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ. Nhưng quan trọng hơn, văn bản này không có căn cứ pháp lý bởi các luật hay nghị định không hề giao Bộ Công Thương quản lý vấn đề này.

Tiếp tục đến Quyết định 6139 về quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, vốn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, đã đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh mở rộng hơn so với Nghị định 109 về xuất khẩu gạo. Nói cách khác, quyết định này trái cả Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và năm 2015.

Hai văn bản Thông tư 37 và Quyết định 6139 có dấu hiệu trái luật thì việc bãi bỏ là đương nhiên. Còn Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng thì sự bất cập đã quá rõ. Thông tư này đặt thủ tục kiểm tra một cái bóng đèn phức tạp chẳng kém gì kiểm tra sự an toàn của một chiếc ô tô. Trong khi đó, nếu để lọt một chiếc ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn ra thị trường thì có thể gây tai nạn, nhưng nếu để lọt một cái bóng đèn không đáp ứng tiêu chuẩn ra thị trường thì nguy cơ lớn nhất là… tốn thêm vài nghìn đồng tiền điện mỗi tháng. Tất nhiên, một đồng tiền cũng quý, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thủ tục ấy có thể gây tốn kém cho doanh nghiệp hơn nhiều lần. 

Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương năm 2017 có đến 151 từ "bỏ", 104 từ "sửa", 64 từ "đơn giản hóa", 44 từ "giảm", 7 từ "phân cấp" và hàng chục những sửa đổi khác. Để thực hiện trọn vẹn kế hoạch này, Bộ Công Thương còn 360 ngày để sửa ít nhất 31 Thông tư và đề nghị sửa đổi ít nhất 11 Nghị định. Chặng đường còn rất dài.

Nhưng đó cũng mới chỉ là thủ tục hành chính, chỉ là trong năm 2007 và chỉ là những gì Bộ Công Thương đặt mục tiêu. Còn những gì cộng đồng doanh nghiệp mong đợi và những việc cần làm để hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam còn lớn hơn.

Ngành lúa gạo vẫn còn đó Nghị định 109 với các điều kiện về kho chứa và máy xát. Ngành khí hóa lỏng, ngành xăng dầu vẫn còn đó những điều kiện về bồn chứa, cầu cảng nhập khẩu, số đại lý, số chai hay cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngành điện lực vẫn chưa có được một môi trường cạnh tranh minh bạch như Đề án phát triển thị trường điện cạnh tranh đã đề ra. Ngành thuốc lá vẫn xin-cho hạn ngạch chứ chưa có cơ chế đấu giá.

Rồi hàng chục bản quy hoạch sản phẩm, dịch vụ cần sửa đổi hoặc bãi bỏ. Đó là quy hoạch kho chứa và điểm bán lẻ xăng dầu, quy hoạch thép, quy hoạch rượu, bia, nước giải khát, quy hoạch kho chứa khí gas, quy hoạch sơn-mực in, quy hoạch phân phối thuốc lá thậm chí cả quy hoạch kho hàng, quy hoạch trung tâm logistics, quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, quy hoạch sản xuất cao su, quy hoạch gốm sứ thủy tinh, quy hoạch dệt may, da giầy, quy hoạch chế biến thực phẩm, quy hoạch ngành đúc, quy hoạch ngành nhựa, quy hoạch cơ điện tử, quy hoạch dầu thực vật, quy hoạch chế biến sữa, quy hoạch thiết bị chế biến nông sản,…

Không ít trong những quy hoạch nói trên bản chất là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào quyền tự do kinh doanh, với nhiều điều kiện kinh doanh (tương tự như quy hoạch xuất khẩu gạo), hoặc là mảnh đất béo bở cho cơ chế xin-cho, lợi ích nhóm.

Món nợ thể chế còn là việc Luật cạnh tranh đã ban hành được hơn 10 năm nhưng hiện tượng độc quyền, hiện tượng bắt tay làm giá vẫn diễn ra. Món nợ thể chế còn là việc tham gia sáng kiến EITI về minh bạch thông tin ngành khai khoáng…

Chặng đường còn dài, thưa Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng chân cứng đá mềm.

Nguyễn Minh Đức
Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam


Nguồn tin: baochinhphu.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không