(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Nguồn năng lượng mới

Thứ sáu - 08/02/2019 22:59 - Đã xem: 2945
Cuộc cách mạng với cây mía của TTC đang mang lại sự khởi sắc đáng tự hào cho ngành nông nghiệp sạch nói chung và ngành mía đường Việt Nam nói riêng. Từ vị thế một nước phải nhập khẩu, dần cân bằng cán cân thương mại, và chủ động xuất khẩu đầy tự tin, những lô hàng đường organic đầu tiên của TTC đã được xuất sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới cùng lô mật rỉ “khủng” đầu tiên 2.500 tấn của Việt Nam xuất khẩu sang Úc, nơi nông dân đang phải vật lộn với hạn hán kéo dài... 
Hiện TTC Sugar đang sở hữu tổng diện tích vùng nguyên liệu 62.300 hecta, tổng công suất 49.000 tấn mía/ngày, tổng sản lượng đường tiêu thụ 846.000 tấn. Ngành nông nghiệp TTC đã và đang góp phần nâng cao chuỗi giá trị, năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam.
Chiến lược “Đầu tư năng lượng sạch - Tổng lực cho tương lai” bước vào giai đoạn cao trào, với nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền ở Thừa Thiên - Huế với công suất 35MW đầu tiên được khánh thành tại Việt Nam, nhà máy điện mặt trời TTC Krông Pa ở Gia Lai với công suất 49 MW chính thức đi vào hoạt động, cùng với sự triển khai sáu nhà máy điện mặt trời để kịp vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch đến 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất điện mặt trời lên khoảng 1.000 MW với tổng đầu tư 22.000 tỷ đồng cho 20 nhà máy điện gió lên 40 MW, trở thành tập đoàn tư nhân đầu tư lớn nhất về năng lượng sạch ở Việt Nam.
Trong 5 điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2018 sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho 2019 là Các tập đoàn kinh tế tư nhân bắt đầu khởi sắc; Nông nghiệp sạch lên ngôi; Năng lượng sạch trở thành điểm sáng thu hút nhiều nguồn lực; Du lịch dựa vào tài nguyên bản địa là thế mạnh cạnh tranh độc đáo; Sức bật của thể thao nước nhà qua Bóng đá… thì TTC đã chiếm đến ba tiêu chí.
Với phương châm “Kinh doanh là sứ mệnh, không phải là quyền lợi”, TTC đã từng bước trưởng thành, trở thành tập đoàn đa ngành đậm bản sắc, vững vàng trong hội nhập, sẵn sàng cho những đột phá tương lai. Triết lý kinh doanh “Vì cộng đồng, phát triển địa phương” đã được hiện thực hóa bằng cả tri thức và tấm lòng, với những dự án trọng điểm, tạo sức bật mạnh mẽ cho nhiều vùng đất còn nghèo khó và xa xôi cách trở của đất nước thay da đổi thịt, nên đi đến bất cứ tỉnh nào, TTC cũng được “Trải thảm đỏ” bằng sự chân tình và ấm áp của chính quyền và người dân địa phương.
Tập đoàn TTC đã thực sự tạo dựng niềm tin vào một tương lai mới của Việt Nam nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tạo ra giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững, phát triển toàn diện.
“Linh hồn” của TTC chính là Chủ tịch Đặng Văn Thành, một con người bản lĩnh với tầm nhìn xa chiến lược, chuyên nghiệp, kỷ cương trong cả quản trị doanh nghiệp và quản trị bản thân, rất trọng nghĩa, trọng tình. Con đường trở thành người dẫn đầu trong kinh doanh tiền tệ của một tỷ phú đi lên từ tay trắng, trở thành “ông vua” trong ngành mía đường, dẫn đầu trong năng lượng tái tạo... đầy ắp niềm vui và nước mắt, những được - mất nhiều khi tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng.
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Nguồn năng lượng mới
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC
Ông chính là tấm gương sống động nhất cho đời doanh nhân, với những bài học đắt giá để không bao giờ lùi bước trước những thử thách khó khăn. Bằng niềm tin tuyệt đối vào sự chính trực của bản thân mình, trái tim hết lòng vì đất nước, sự tiếp sức từ gia đình và đồng đội, ông đã vượt qua bao chông gai để tạo nên những bước ngoặt đáng kể cho TTC trong nông nghiệp sạch và năng lượng sạch.

Năm 2018 còn đánh dấu một bước ngoặt của cuộc đời ông, khi được các doanh nhân dẫn đầu các ngành tiêu biểu của kinh tế Việt Nam chọn là vị thủ lĩnh “Tâm phục khẩu phục” cho câu lạc bộ Thương hiệu Việt (VBC), với nỗ lực không ngừng để liên kết, tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về sự khởi sắc của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong năm 2018, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho năm 2019?
Ông Đặng Văn Thành: Kết thúc năm tài chính 2018 của Việt Nam, qua các báo cáo, tôi nhìn thấy có rất nhiều thuận lợi cho kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã vận dụng nhiều chính sách điều hành, giữ được những chỉ số cơ bản rất quan trọng, trong đó GDP không những kiểm soát được, mà còn vượt năm ngoái, tăng 7,08%, chỉ số lạm phát đang được kiểm soát, nợ công giảm từ 63,7% cuối 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018...
Nhiệm kỳ này, tôi thấy Chính phủ có tầm nhìn thật sự chiến lược, từ vĩ mô tới vi mô, trong đó có sự công nhận về đóng góp của nền kinh tế tư nhân, một tín hiệu đáng mừng cho hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, thông qua các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Đó cũng là tín hiệu vui cho các doanh nhân như tôi nhân dịp đầu năm mới, thấy được sự quan tâm thực sự của Đảng và Nhà nước đối với thành phần kinh tế tư nhân. Nhà nước đã nhìn nhận rõ sự đóng góp của kinh tế tư nhân, từ giải quyết của cải vật chất cho xã hội, nộp ngân sách cho nhà nước, đáp ứng lao động, góp phần cân bằng cán cân thương mại, mà chúng ta hay nói là nhập siêu, xuất siêu. Đó cũng là trách nhiệm của mọi doanh nhân.
Năm 2019, bên cạnh sự quan tâm của chính phủ, tôi nghĩ doanh nhân nên mạnh dạn, tự tin hơn nữa để đầu tư những ngành nghề chiến lược thông qua các bối cảnh chuyển dịch kinh tế nói chung và cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây là cơ hội, và cũng là thách thức!
Việc ông Trump cấu trúc lại cán cân thương mại là chuyện cần thiết. Ngược lại, chúng ta cũng phải giữ được thị trường hơn 90 triệu dân này. Nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với các nước bằng sản phẩm là trách nhiệm của Nhà nước, các cấp quản lý, và bản thân doanh nghiệp. Đó chính là sự tự tin của chúng ta, là sức mạnh nội lực của nền kinh tế.
Có thể nhận thấy rất rõ sự chuyển động tích cực này của các tập đoàn tư nhân ngay trong Câu lạc bộ Thương hiệu Việt do ông làm Chủ tịch?
Ông Đặng Văn Thành: VBC có đa ngành, tôi thấy vừa qua, một số thương hiệu thành viên như Nutifood, An Phước, Kềm Nghĩa, Thép Việt, Tân Hiệp Phát… và ngay cả Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, Công ty CP Điện Gia Lai… của chúng tôi cũng đang chuyển mình hết sức tích cực. Một mặt mạnh dạn tạo lập thị phần thông qua các đối tác, phát triển đối tác cũ và đi tìm đối tác mới. Tôi thấy họ mạnh dạn đầu tư rất lớn như Tín Nghĩa đầu tư nhà máy sấy lạnh trong sản xuất cà phê… Rất nhiều chuyển động trên tinh thần hội nhập, tự tin như thế.
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Nguồn năng lượng mới 1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm và làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1
Làm thế nào để TTC có thể trở thành nhà đầu tư tiên phong và dẫn đầu trong năng lượng sạch, nông nghiệp sạch, những lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam?

Ông Đặng Văn Thành: Thực sự ngay sau khi Việt Nam vận hành kinh tế thị trường, chúng ta phải thừa nhận sự chuyển biến rất ấn tượng, nhu cầu về an toàn thực phẩm, về hưởng thụ, môi trường sống được nâng lên rõ rệt. Xu thế tới đây, toàn thế giới đều hướng về năng lượng sạch. Tới năm 2030 năng lượng hóa thạch sẽ giảm xuống dưới 1%, con số lớn khủng khiếp!
Với Việt Nam, gần đây Chính phủ đã quan tâm, và tích cực có chính sách động viên các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nên mạnh dạn đầu tư các loại hình năng lượng mà quốc gia có lợi thế, gần đường xích đạo có bức xạ, có bờ biển dài để làm điện gió và điện mặt trời. Quản lý Nhà nước rất quan tâm tới môi trường, đây là xu hướng tất yếu. Điện gió và điện mặt trời là hai loại hình đầu tư mà chính quyền địa phương có lợi thế đã mời gọi, tạo điều kiện rõ ràng cho doanh nghiệp bằng những chính sách cụ thể.
Riêng năng lượng mặt trời, bản thân TTC đã chuẩn bị từ bốn năm về trước, chứ không phải bây giờ đâu. Hai nhà máy điện mặt trời tiên phong ở Thừa Thiên - Huế và Gia Lai đã đi vào hoạt động, tháng 3/2019 này sẽ hoạt động hai nhà máy điện mặt trời lớn ở Tây Ninh và Long An, khoảng trên dưới 150 MW.

Không dừng ở đó, chúng tôi vừa thực hiện lễ ký kết giữa ngân hàng Phương Đông với TTC, lên kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mái nhà, năng lượng thay máy dầu để phục vụ điện cho nông nghiệp và nông thôn. Chúng tôi còn sang Campuchia với những bước đi chiến lược.
Khoa học thế giới đã đi tới sự ưu việt, đến bây giờ bàn không giấy, điện thoại không dây, xe không người lái rồi. Tới đây, ngành năng lượng sạch sẽ giúp cho dây điện ngoài đường giảm xuống một cách tích cực bởi người dân có thể tự tích điện, lưu trữ điện và sử dụng điện trong nhà bằng bình ắc quy, đặc biệt với vùng nông thôn, có thể trữ điện từ 7 đến 14 ngày. Tôi nghĩ khoảng 5 năm nữa Việt Nam sẽ được sử dụng nguồn năng lượng sạch này. Còn hiện nay, do giá cao nên chưa ai nghĩ tới.
Còn về nông nghiệp sạch, hiện nay “Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp và nông thôn đang chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế, khoảng 70%. Gần đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng như Chính phủ rất quan tâm. Đặc biệt gần đây nhất, Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề làm sao nâng hiệu quả nông nghiệp và nông thôn với Việt Nam.

Ý thức được vấn đề này, nói riêng về cây mía, TTC chuẩn bị tương đối kỹ. Khi quay trở lại ngành mía đường, tôi đã cử nhiều đoàn đi tham quan ở Thái Lan, Brazil, Mỹ, Úc... Thậm chí, chúng tôi đã tổ chức được năm hội thảo quốc tế lớn về mía đường tại Việt Nam. Việt Nam là quốc gia trước đây phải nhập khẩu, bây giờ là cân đối, và có khả năng xuất khẩu đường. Nhưng trong hội nhập, nếu không đủ điều kiện thì cây mía Việt Nam khó mà đứng vững.
Không ai giao cho tôi sứ mệnh này, nhưng tôi có ý thức, trách nhiệm của một người gắn bó với cây mía. Nói đến cơ giới hóa trong nông nghiệp là phải nói đến thiết kế đồng ruộng, cánh đồng mẫu lớn. Được sự hỗ trợ của tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận, chúng tôi đã triển khai thành công cơ giới hóa ở Krông Pa, Bác Ái. Do sự tự nguyện, nông dân đã hợp lại thành những hợp tác xã bậc cao, TTC bảo đảm thu nhập tối thiểu cho nông dân, nông dân cũng cử ra một chủ nhiệm hợp tác xã để điều hành cùng chúng tôi. TTC sẽ chuyển giao máy móc cho họ sau khi hướng dẫn cơ giới, chính họ thấy hiệu quả. Nông cụ này chúng tôi ký kết độc quyền với nhà sản xuất nông cụ lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ.
Về chuyển giao quy trình canh tác, chúng tôi có hai hội đồng khoa học do Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân và Tiến sĩ Trần Tấn Việt phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng mía đường của TTC. Từ đây đưa ra quy trình canh tác mới về cày sâu. Trước đây quy trình canh tác của Việt Nam chỉ cày sâu 3 tấc, như vậy cây mía chỉ tự vận động xuống đất, không được sự hỗ trợ về máy móc, rễ không bén sâu được để hút tầng dinh dưỡng dưới 3 tấc được.
Đích thân tôi cùng anh Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC Sugar đi sang Thái Lan học hỏi suốt sáu tháng ròng, và quyết định tùy theo địa lý từng vùng đưa mô hình cày sâu 6 tấc, có vùng 8 tấc, để cây mía hút được dinh dưỡng còn rất nhiều dưới tầng đất sâu, giúp cây mía giữ độ ẩm, tự chống ngập cũng như chống hạn, đặc biệt đứng vững trước những cơn giông. Quy trình cày sâu này rất thành công, và hình như cả nước đang áp dụng.
Thứ hai là hoàn thiện quy trình chống sâu rầy cho mía bằng nuôi thiên địch. Ban đêm, khi chưa thả thiên địch ra thì dùng bẫy đèn để tiêu diệt sâu rầy. Có những vùng như Suối Nước Trong ở Tây Ninh 5 năm nay cả cánh đồng không hề dùng thuốc trừ sâu. Việc bón phân, làm cỏ đã hoàn toàn được cơ giới hóa.
Một điều rất phấn khởi, TTC đã chính thức được Công ty ED&F Man Sugar (Anh) bao tiêu toàn bộ sản phẩm đường organic (được sản xuất tại Lào) và bán các loại đường của TTC Sugar niên vụ 2018 - 2019 sang thị trường châu Âu. Năm nay chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng giao 4.500 tấn và chuyển dần sang sản xuất hoàn toàn organic.
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Nguồn năng lượng mới 2
Trong cuộc gặp với ông Đặng Văn Thành tại Hà Nội ngày 16/1/2019, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm của bên ngoài cho Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo
Tôi vừa chỉ đạo TTC Sugar năm 2019 mạnh dạn xuất khẩu đường organic, đường đặc sản của Việt Nam như đường phèn, đường vàng... với những mẫu mã bao bì sản phẩm cao cấp.

Về các sản phẩm từ dừa, tôi cũng thật sự bất ngờ, TTC đã đưa dây chuyền thứ hai vào sản xuất mà cũng vẫn không đủ cầu, 90% xuất khẩu nhưng sản lượng không đáp ứng đủ. Xu thế của thế giới đang giảm dần các loại nước có gas, tiệm cận gần đến nước uống thiên nhiên. Đây là lợi thế cho cây dừa. Chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương, cố gắng đưa nước dừa organic vào chương trình “Cải tạo vườn tạp truyền thống của Đồng bằng song Cửu Long thành vùng nguyên liệu organic về dừa”, với dây chuyền khép kín của TTC, từ dầu dừa, nước dừa, mỹ phẩm liên quan tới dừa.
Những bước đi táo bạo vào những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế với những suất đầu tư vô cùng lớn, ông giải bài toán tài chính như thế nào?
Ông Đặng Văn Thành: Nói về doanh nghiệp là nói về chiến lược phát triển, chiến lược ấy chứa đựng hoài bão, tinh thần cầu tiến, và một chút tham vọng trong chiếm lĩnh thị phần và phát triển bền vững, nên kế hoạch tài chính phải song hành. Chúng ta có nhiều loại hình tài chính để huy động. Thị trường tài chính Việt Nam gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã đi vào ổn định. Trước đây chỉ có thị trường tiền tệ nên cũng hơi khó khăn về vốn ngắn hạn và dài hạn. Nhưng bây giờ thị trường vốn đã đi vào hoạt động trên 15 năm, các doanh nghiệp cũng nên xây dựng kế hoạch tiếp cận với thị trường vốn này qua nhiều loại hình chứng khoán nợ và chứng khoán vốn.
Tôi nghĩ doanh nghiệp, ngoài tích lũy tư bản ra cũng phải cân đối nguồn lực tài chính trung và dài hạn. Đôi lúc chúng ta sẽ nặng về vốn chủ sở hữu, bảo đảm mức độ nào đó đối với vốn điều lệ tùy theo quản trị tài chính của từng doanh nghiệp. Tôi hay dùng cách nói vui là “đôi lúc chúng ta cần vốn mà không cần chủ”, thì nên phát hành chứng khoán nợ để có những trái chủ có thời hạn. Nếu chúng ta cần cả vốn và chủ thì phát hành chứng khoán vốn để tìm đối tác chiến lược đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ nhau phát triển lĩnh vực mà họ mong muốn đầu tư.
Thị trường vốn rất phong phú và đa dạng, tiệm cận không khó, nhưng công tác chuẩn bị rất khó. Hễ nói đến tiếp cận thị trường tài chính thì phải minh bạch. Những doanh nghiệp muốn tiệm cận, muốn phát triển mà không minh bạch thì không thể thực hiện mong muốn của mình đâu, vì các chuyên gia trong lĩnh vực này rất am hiểu. Nếu vẫn còn tủn mủn, hạch toán “trong - ngoài” thì chắc chắn không làm được!
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Nguồn năng lượng mới 3
Đưa Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa với công suất 49 MW và tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đi vào vận hành sau 9 tháng thi công là sự nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo Tập đoàn TTC, Công ty GEC cùng rất nhiều kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước
Điều hành một tập đoàn đa ngành với nhiều tướng lĩnh của nhiều lĩnh vực hoàn toàn khác nhau đòi hỏi ông phải nỗ lực như thế nào?

Ông Đặng Văn Thành: Một tập đoàn có thể sản xuất kinh doanh từ đồ chơi trẻ em cho đến chiếc phi cơ, vấn đề là chúng ta phải có mô hình đa ngành, đa sở hữu phù hợp với từng thời kỳ phát triển của tập đoàn. Tựu trung lại, là quy chế và quy trình. Nên chọn mô hình phù hợp cho doanh nghiệp, quản trị phải minh bạch, điều hành phải chuyên nghiệp, kiểm soát phải trách nhiệm. Vai trò kiểm soát không phải là bông là hoa để trưng chơi. Gần đây, sau nhiều vụ án xảy ra, tôi thấy luật pháp bắt đầu quan tâm tới vị trí kiểm soát này. Anh là cơ quan tư pháp, phải có ý kiến trước những sai phạm chứ.
Tôi cho rằng một nền kinh tế phát triển thì mô hình tập đoàn là quy luật, là sự trưởng thành của doanh nghiệp. Cơ hội đầu tư đến với họ rất nhiều, nên họ không từ chối bất cứ lĩnh vực gì nếu họ có đủ điều kiện. Vấn đề là quản trị, kiểm soát, điều hành thế nào?
Ngoài vai trò một doanh nhân, gần 20 năm nay tôi đúc kết cho bản thân cũng nhiều, nên thực sự đã dành thời gian đi tỉnh này tỉnh khác để chia sẻ với doanh nhân cả nước. Thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế trí thức này, chắc chắn các vị doanh nhân trẻ đầy đủ điều kiện hơn chúng tôi, nhưng điều tôi muốn chia sẻ với họ chính là kinh nghiệm. Từ suy nghĩ đó, hàng năm dù bận rộn đến đâu, tôi cùng dành thời gian để góp phần nào đó cho cộng đồng doanh nhân ngày càng lớn mạnh, vững vàng.
Trong gia đình, ông có cách quản trị riêng biệt nào khiến cho mọi việc trôi chảy, không tạo áp lực lên bất cứ thành viên nào, nhất là với các con của mình?
Ông Đặng Văn Thành: Mô hình doanh nghiệp gia đình rất gần gũi với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ từ các quốc gia đi trước mình như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh rất quan tâm, gách vác phụ cho công việc chung của TTC. Cũng có phân quyền, phân cấp, giống như các cán bộ bình thường thôi.
TTC đang xây dựng mô hình tối ưu hơn, và các con tôi cũng đã đồng thuận để xây dựng mô hình này, làm sao là gia đình mà không phải gia đình. Vừa có lợi thế hơn bởi sự quan hệ mật thiết trong gia đình với vị trí của mình, tính trung thành, trách nhiệm được nâng lên rất cao. Nhưng nếu không có những quy chế, quy trình thì coi chừng lại xuất hiện bóng dáng gia đình ở đây. Đây cũng là thách thức đối với những doanh nghiệp có người thân tham gia quản trị và điều hành.
Các con tôi vẫn còn trẻ, còn tôi thì chưa phải là già lắm! Tôi đang chọn một mô hình để phát huy được sức mạnh của một gia đình truyền thống doanh nhân (Cười rạng rỡ).
 

Nguồn tin: theleader.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không