(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Bài toán năng lượng phải đặt trong bức tranh chung của đất nước

Thứ năm - 22/06/2017 22:13 - Đã xem: 2974
Trong những chính sách phát triển, đặc biệt là chính sách về năng lượng bắt buộc phải tính đến khía cạnh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Phan Trang

Bên lề Hội nghị cấp cao được tổ chức nhân dịp Lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề về an ninh năng lượng.

Việt Nam hiện nay đang chuyển từ nước xuất khẩu than sang nhập khẩu than. Dự kiến đến năm 2020 sẽ nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện. Việc nhập khẩu than này có đáng lo ngại không và chúng ta phải làm gì với nhu cầu năng lượng ngày một tăng như hiện nay? Việc nhập khẩu này có phải là một trong những giải pháp nằm trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc nước ta đang là nước xuất khẩu than nhưng cũng bắt đầu nhập khẩu cỡ 5-7 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng lên mức vài ba chục triệu tấn sau này là thực tế vì sự giới hạn của tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là nguồn năng lượng không tái tạo như than đá. 

Do vậy, nội dung của chiến lược phát triển năng lượng bền vững phải được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Một là, nền tảng dựa trên việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm.

Hai là, phải phát triền nguồn năng lượng hài hòa, hợp lý trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển của cả nước, gắn với bảo vệ môi trường.

Ba là, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh thể chế nền kinh tế thị trường mà cung-cầu năng lượng vận hành trên nguyên tắc của thị trường, điều đó có nghĩa là việc cải tổ lại cơ cấu tổ chức ngành năng lượng hiện nay rất quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường và toàn thể nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập.

Ngoài ra, để xây dựng một chiến lược phát triển năng lượng bền vững phải xây dựng trên nền tảng của một ngành năng lượng kể cả sơ cấp và thứ cấp, cả nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Đồng thời, phải có chiến lược khai thác, sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, sự phát triển của một chiến lược năng lượng không đơn thuần là tăng trưởng đủ để phát triển kinh tế mà còn hướng đến yếu tố bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, chiến lược phát triển năng lượng bền vững định hướng đến năm 2020 và các năm sau đấy đều dựa tên nền tảng nguyên tắc này.

Hiện nay, có 3 thách thức lớn cho Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới về năng lượng xanh và năng lượng bền vững là: Giá năng lượng, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Những biện pháp nào cần được áp dụng để giải quyết 3 thách thức này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng không thể tách rời từng nhóm vấn đề này ra mà cả 3 vấn đề này đều phải được đặt trong bức tranh tổng thể để có chiến lược hoàn chỉnh. Bởi chiến lược của ta ngoài việc mang tính dài hạn còn phải đồng bộ, toàn diện trong cả cách thức và giải pháp.

Chẳng hạn, vấn đề biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức rất lớn đến mọi mặt, đây là thực tiễn và dù muốn hay không ta cũng phải đối mặt với những thách thức này. Vì thế, bắt buộc trong những chính sách phát triển đều phải tính đến khía cạnh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trong các chính sách về năng lượng hay chính sách về kinh tế-xã hội.

Chúng ta cũng không thể tách rời những yêu cầu về an ninh năng lượng, giữa nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo.

Chiến lược cũng không thể tách riêng vai trò từng khu vực và nền kinh tế mà đây là tổng thể của nền kinh tế hội nhập. Phải nói rằng, khi đặt ra yêu cầu cho phát triển nhanh thì cũng phải đặt ra yêu cầu cho phát triển bền vững. Khi nói về phát triển các ngành công nghiệp thì cũng phải tính đến tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, khi ta nói đến sự phát triển của các thành phần kinh tế nhà nước thì cũng hướng tới vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khối tư nhân.

Vì vậy, những yếu tố để bảo đảm cho sự phát triển bền vững phải được đặt tổng thể trong bức tranh nền kinh tế của cả đất nước. Để giải quyết bài toán cụ thể về an ninh năng lượng cần phải đặt trong tổng thể các vấn đề an ninh khác

Thưa Bộ trưởng, sự ra đời của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam có ý nghĩa như thế nào để giải quyết bài toán an ninh năng lượng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng đây là mối quan hệ rất có ý nghĩa với Chính phủ Việt Nam nói chung và với Bộ Công Thương nói riêng, cũng như với việc xây dựng, hoạch định chính sách trong lĩnh vực năng lượng. Các đối tác đang cùng tham gia với Việt Nam trong diễn đàn đối thoại này đều đến từ các quốc gia là đối tác quan trọng trong thương mại đầu tư và cả trong hợp tác kinh tế toàn diện.

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hàng loạt đại diện của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế của các nhà tài trợ khác đã có vị thế trong các chương trình hợp tác về ODA, đầu tư tư nhân cũng như các vấn đề hỗ trợ trong các chính sách phát triển của Việt Nam. Các quốc gia này đều có những chính sách, quan điểm rất tích cực và sự hài hòa trong chính sách quan hệ với các nước đang phát triển.

Tôi cho rằng cơ chế đối thoại này giữa Bộ Công Thương và các đối tác từ EU, cũng như các tổ chức khác sẽ giúp ta có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận bài học kinh nghiệm, thực tiễn, mang lại nhiều cơ hội quý báu cho chúng ta không chỉ trong xây dựng, hoạch định chính sách mà còn trong việc thực thi chính sách về năng lượng nói riêng và các lĩnh vực khác nữa.

Có 5 nhóm làm việc trong khuôn khổ đối thoại được nêu ra và thống nhất giữa Việt Nam và các nước đối tác. Bao gồm: Nhóm thứ nhất, làm việc về năng lượng tái tạo. Nhóm thứ hai, làm việc về tiếp cận điện năng. Nhóm thứ ba, làm việc về cải cách và cơ cấu lại các ngành năng lượng Việt Nam. Nhóm thứ tư, tập trung vào các lĩnh vực về sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Nhóm thứ năm, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng.

Có thể nói, cả 5 lĩnh vực này đã cấu thành những nội dung nền tảng quan trọng nhất trong chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay và tới đây. Hơn nữa, đối thoại còn giúp Việt Nam làm hài hòa và sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược cũng như nhiều khu vực khác. Chưa kể đến thông qua khuôn khổ đối thoại này chúng ta còn có điều kiện xây dựng chính sách chung cũng như chương trình chung để khai thác và sử dụng các nguồn viện trợ phát triển, thu hút đầu tư tư nhân phù hợp với các định hướng phát triển xanh của Việt Nam.

Tôi tin rằng với vai trò làm đầu mối của Liên minh châu Âu (EU) trong cơ chế đối thoại này chúng ta sẽ có điều kiện cụ thể hóa những yêu cầu về mặt chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và trong cả nền kinh tế cũng như có điều kiện để cụ thể hóa thành chính sách trong thời gian tới đây.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Nguồn tin: baochinhphu.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không